Hỏi: Quốc hội Việt Nam có vị trí, vai trò như thế nào trong bộ máy nhà nước ta? Tại sao nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân?
Đáp:
Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân
dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập
hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát
tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội là cơ quan quyền
lực nhà nước cao nhất bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về
Nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu
ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Quốc hội là
cơ quyền lực nhà nước cao nhất còn thể hiện ở chức năng của Quốc hội. Theo quy
định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật.
Bằng việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội quy định các vấn đề cơ
bản nhất, quan trọng nhất về hình thức và bản chất của Nhà nước; ghi nhận, tôn
trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định các nội
dung cơ bản về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ,
môi trường, bảo vệ Tổ quốc và về tổ chức bộ máy nhà nước. Bằng việc làm luật và
sửa đổi luật, Quốc hội điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực của đời
sống xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước, đó là những chủ trương lớn, những vấn đề quốc kế dân
sinh, những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã
hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối
cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Không một cơ quan nào đứng trên Quốc
hội trong xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật - những văn bản mà
chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành. Các cơ quan do Quốc hội thành lập và người
giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải chịu trách nhiệm, báo cáo công
tác trước Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội.
Quốc hội là cơ quan đại biểu
cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:
- Trước hết về
cách thức thành lập, Quốc hội là cơ quan do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên
tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý
chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, được Nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền
lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước
và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.
- Về cơ cấu tổ
chức, đại biểu Quốc hội là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà
nước và xã hội, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân và các dân tộc anh em trên đất
nước Việt Nam. Quốc hội là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là biểu trưng
sức mạnh trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam.
- Chức năng và
nhiệm vụ của Quốc hội được quy định toàn diện trên các lĩnh vực: lập hiến, lập
pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm
phục vụ cho lợi ích chung của toàn thể Nhân dân. Có thể nói, 75 năm hình thành
và phát triển của Quốc hội Việt Nam là 75 năm Quốc hội tận tâm cống hiến vì lợi
ích quốc gia và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, hành động theo ý chí
và nguyện vọng của Nhân dân.
(Nguồn Hội đồng bầu cử Quốc “Hỏi - Đáp về bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ
2021-2026”)