ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
NĂM 2017
-------------
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017. Luật có 8 chương, 48 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với nhiều nội dung mới quan trọng quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được xây dựng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội; bảo đảm tính khả thi, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Luật đã xác định rõ hơn công tác trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc trợ giúp pháp lý góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
I. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ (SỬA ĐỔI)
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có một số điểm mới cơ bản như sau:
- Về đối tượng được được trợ giúp pháp lý:
Đối tượng trợ giúp pháp lý đã được mở rộng hơn nhiều so với Luật năm 2006 tăng nhóm đối tượng từ 7 nhóm lên 14 nhóm, gồm: người có công cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Bên cạnh đó là những người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc hóa học; người nhiễm HIV.
- Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý:
Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Luật quy định việc tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội theo Luật Luật sư, theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật.
- Về lĩnh vực trợ giúp pháp lý:
Bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý là nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế nhất trong xã hội gặp khó khăn về tài chính và có vướng mắc pháp luật mà không có tiền để thuê người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh, thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Những người tham gia hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, không được xác định là đối tượng yếu thế để được trợ giúp pháp lý. Do vậy, về lĩnh vực trợ giúp pháp lý Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 giữ nguyên như quy định trước đây loại trừ đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại.
- Về các hình thức trợ giúp pháp lý:
Việc trợ giúp pháp lý được thực hiện tập trung thông qua 3 hình thức là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Luật đã bỏ hình thức trợ giúp pháp lý khác như: sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt chuyên đề pháp luật.
- Về người thực hiện trợ giúp pháp lý:
Luật quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
- Về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý:
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) khẳng định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí hàng năm “Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước”. Thêm vào đó, đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Luật Trợ giúp pháp lý còn có quy định ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung ngân sách hàng năm của Trung ương để hỗ trợ việc thực hiện vụ việc phức tạp, điển hình.
- Về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng:
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác trợ giúp pháp lý: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, đồng thời quy định thời hạn cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương về yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý./.
Tác giả: Phạm Văn Tứ
Nguồn tin: UBND phường Tam Bình