HỎI ĐÁP MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA
LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ NĂM 2019
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020
Câu 1. Người chấp hành án là ai?
Theo Khoản 1 Điều 3 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định Người chấp hành án được hiểu là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.
Câu 2. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong trong thi hành án hình sự?
Theo Điều 10 của Luật Thi hành án hình sự quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là:
- Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.
- Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.
- Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.
- Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật này.
- Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.
- Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.
- Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.
Câu 3. Việc tái hòa nhập cộng đồng được quy định như thế nào?
Theo Điều 45 của Luật Thi hành án hình sự quy định như sau:
- Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
+ Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
+ Định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm;
+ Hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. - Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
+ Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;
+ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;
+ Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây:
+ Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng;
+ Dạy nghề, giải quyết việc làm;
+ Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý
+ Các biện pháp hỗ trợ khác.
Câu 4. Người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách khi nào?
Theo Điều 89 Luật Thi hành án hình sự quy định:
- Người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;
+ Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
- Người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.
- Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
- Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật này và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.
Câu 5. Người chấp hành án phạt cấm cư trú có quyền và nghĩa vụ thế nào?
Theo Điều 109 của Luật Thi hành án hình sự quy định Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú như sau:
- Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau đây:
+ Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định nhưng mỗi lần không quá 05 ngày;
+ Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này.
- Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ sau đây:
+ Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
+ Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật;
+ Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.
Câu 6. Quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự được quy định như thế nào?
Theo Điều 176 Luật Thi hành án hình sự quy định:
- Người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan (sau đây gọi là người khiếu nại) có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khiếu nại của pháp nhân thương mại chấp hành án được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Câu 7. Các trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự nào không được thụ lý giải quyết?
Theo Điều 177 của Luật Thi hành án hình sự quy định các trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự sau đây sẽ không được thụ lý giải quyết:
- Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
- Người khiếu nại là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
mà không có người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.
- Thời hiệu khiếu nại đã hết.
- Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.
Câu 8. Ai có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự?
Theo Điều 190 của Luật Thi hành án hình sự quy định Người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự là Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Câu 9. Người tố cáo và người bị tố cáo trong thi hành án hình sự có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Theo Điều 191 của Luật Thi hành án hình sự quy định: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo trong thi hành án hình sự được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo.
10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án hình sự?
Theo Điều 205 của Luật Thi hành án hình sự quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án hình sự
1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã trong giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã và có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống, học nghề, hòa nhập cộng đồng.
3. Yêu cầu Công an cấp huyện báo cáo công tác thi hành án hình sự ở địa phương./.