NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ
VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ NĂM 2019
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2020.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ được ban hành góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của BLHS về các tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí (bao gồm cả việc xử lý các hành vi vi phạm về vũ khí hạng nặng, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự) và là căn cứ pháp lý để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này; phục vụ công tác tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu hủy đối với các loại vũ khí tồn đọng sau chiến tranh và trôi nổi ngoài xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thực thi quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật đã bộc lộ một số bất cập trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng do có khác biệt so với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần người có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu; các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao, khi sử dụng thực hiện tội phạm với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù cho các đối tượng đã bị kết án về các hành vi phạm tội nêu trên sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.
Vì vậy, để kịp thời khắc phục tồn tại, bất cập nêu trên, không để “khoảng trống” pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, ổn định của đất nước và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 50/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
- Bảo đảm sự phù hợp giữa Luật với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để có cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
- Tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
- Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để nội luật hóa các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của quốc gia thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này.
III. PHẠM VI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung
Luật đã sửa đổi, bổ sung 02 điều trên tổng số 76 điều của Luật hiện hành.
2. Bố cục của Luật
Gồm 02 điều, cụ thể:
- Điều 1 sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật hiện hành, đó là: khoản 2, khoản 6 Điều 3 (giải thích từ ngữ); khoản 2 Điều 73 (trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ).
- Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của Luật.
IV. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
1. Về những quy định chung
1.1. Sửa đổi, bổ sung khái niệm về “Vũ khí quân dụng”:
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 thì khái niệm “vũ khí quân dụng” bao gồm cả vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do đó, hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo Điều 230 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, sau khi Pháp lệnh được thay thế thì Khoản 2 Điều 3 của Luật hiện hành đã tách quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng ra khỏi khái niệm “vũ khí quân dụng”, cụ thể như sau:
“Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.”
Như vậy, giữa Luật hiện hành và Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, dẫn đến hệ quả không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi trên từ ngày 01/7/2018.
Do đó, điểm a khoản 1 Điều 1 Luật đã sửa đổi bổ sung như sau:
“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này;
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.”;
So với quy định của Luật hiện hành thì ngoài các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định để thi hành công vụ, Luật đã bổ sung khái niệm vũ khí quân dụng bao hàm cả các loại vũ khí không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác. Việc bổ sung nội hàm khái niệm vũ khí quân dụng theo hướng vừa giải thích về quy chuẩn, tính năng, tác dụng, trách nhiệm nhận biết và mục đích sử dụng, vừa liệt kê các loại vũ khí là phù hợp và thống nhất với cách giải thích về vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ tại Luật hiện hành; vừa đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khắc phục khoảng trống về pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
1.2. Sửa đổi, bổ sung khái niệm “Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”:
Luật hiện hành quy định tại khoản 6 Điều 3 như sau:
“6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”
Điểm b khoản 1 Điều 1 Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng bỏ quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng và sửa đổi khái niệm là: Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ và vũ khí thể thao, cụ thể như sau:
“6. Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”
Việc sửa đổi này để bảo đảm thống nhất với khái niệm vũ khí quân dụng đã được xác định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Luật (trong đó quy định vũ khí quân dụng bao gồm: Vũ khí quân dụng và vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng; không bao gồm vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ và vũ khí thể thao).
2. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
Khoản 2 Điều 73 Luật hiện hành quy định:
“2. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng.”
Khoản 2 Điều 1 Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 của Luật hiện hành theo hướng quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ ban hành danh mục vũ khí quân dụng được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp:
“2. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật này.”
Việc sửa đổi này xuất phát từ khái niệm “vũ khí quân dụng” được sửa đổi, bổ sung, bao gồm:
- Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định;
- Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp; không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác.
Xuất phát từ quy định này, nếu không sửa đổi khoản 2 Điều 73 của Luật hiện hành sẽ dẫn đến việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải ban hành cả danh mục vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp. Trên thực tế, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao thì Bộ Quốc phòng chỉ ban hành danh mục vũ khí quân dụng được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp./.